Bệnh mau quên’ trong sản xuất, tiêu thụ nông sản
‘Nông dân sản xuất theo tư duy mùa vụ. Doanh nghiệp kinh doanh theo tư duy thương vụ. Chúng ta nghĩ ngắn, bây giờ chúng ta phải nghĩ dài’, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: ‘Sản xuất, tiêu thụ nông sản còn luẩn quẩn, bế tắc’
Các đại biểu Quốc hội dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 16/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Các đại biểu Quốc hội dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 16/3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN
Phải phân biệt hai từ “sản phẩm” và “thương phẩm”
Tham gia giải trình cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại điểm cầu tại Bộ NN-PTNT về các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, lưu thông và tiêu thụ hàng hoá, nhất là thực trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu phía Bắc thời gian qua, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ: “Mấy ngày gần đây tôi thường nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như của nông dân và tôi cũng thấu cảm được những vấn đề đó”.
Theo Bộ trưởng, “vấn đề tiêu thụ nông sản không phải là câu chuyện ngắn ngày mà chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn”.
Sau khi tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu phía Bắc xuất hiện, người đứng đầu ngành nông nghiệp đã trực tiếp đi Lạng Sơn, Quảng Ninh và các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL, Tây Nguyên để kết nối thông tin, dữ liệu, từ đó nhìn nhận vấn đề này một cách tổng thể.
Từ đó, ông rút ra một số câu chuyện. Thứ nhất, khi chúng ta nhìn nhận ở góc độ cung – cầu và tư duy sản xuất, tư duy của thị trường thì thấy rằng, với cách làm như hiện nay, nếu không xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu thì cũng sẽ ùn ứ ngay ở các vùng nguyên liệu của ĐBSCL hay ở Tây Nguyên hoặc một nơi nào đó.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Chúng ta phải phân biệt hai từ ‘sản phẩm’ và ‘thương phẩm’.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan: Chúng ta phải phân biệt hai từ “sản phẩm” và “thương phẩm”.
“Ở đây là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT trong việc dẫn dắt câu chuyện này”, ông nói và phân tích thêm. Nông sản không phải như một sản phẩm công nghiệp, khi thị trường tắc thì chúng ta đưa sản phẩm vào kho để chờ cơ hội. Ngay từ đầu vụ, bà con đã trồng, đã nuôi thì 3-4 tháng sau theo chu kỳ phải thu hoạch, dù tình trạng cửa khẩu hay thị trường như thế nào. Đó là điều khó khăn cho vấn đề tiêu thụ nông sản của chúng ta.
Một câu chuyện nữa chúng ta cần phải hiểu rằng “chúng ta có gần 10 triệu hộ nông dân sản xuất trên hàng chục triệu thửa đất”. Đó là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Để kiểm soát và tổ chức lại, đáp ứng nhu cầu thị trường không phải là ngày một, ngày hai.
“Tôi được một chuyên gia góp ý, chúng ta phải phân biệt hai từ “sản phẩm” và “thương phẩm”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói. Chúng ta mới chỉ tạo ra một sản phẩm theo sản lượng. Nó chỉ là một sản phẩm, nghĩa là cái mà chúng ta có thể làm, có thể tạo ra. Nhưng sản phẩm đó chưa tạo ra giá cả, thậm chí chưa tạo ra giá trị nếu không muốn nói là chưa biến thành một thương phẩm để đưa đến được với thị trường trong nước hay ngoài nước. Thương phẩm đó đòi hỏi yêu cầu chuẩn hoá của những thị trường về mặt giá cả, giá trị và thời điểm cũng như sự cạnh tranh của những quốc gia khác cùng một thời điểm hay với một thị trường thứ ba.
Nông nghiệp khởi sắc là do lãnh đạo địa phương sâu sát
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đây là câu chuyện liên quan đến cả một hệ thống từ trên xuống dưới (nhất là các địa phương) chứ không phải chỉ là riêng trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT.
Ông lý giải, câu chuyện thành công của nông nghiệp Sơn La, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên trong thời gian vừa qua có được là nhờ một sự sâu sát của lãnh đạo địa phương đối với nông sản và đối với người nông dân của mình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm trang trại của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An đang trồng 6 giống nho ngoại. Ảnh: Minh Hậu.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan thăm trang trại của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Bình An đang trồng 6 giống nho ngoại. Ảnh: Minh Hậu.
Nếu đến khi ùn ứ nông sản, khi vào vụ thu hoạch rồi chúng ta mới loay hoay đi tìm kiếm thị trường trong khi chúng ta vẫn chưa minh bạch được được dữ liệu nguồn cung, chất lượng sản phẩm thì rất khó. Vấn đề này đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhất là chính quyền địa phương.
“Đối với trách nhiệm được giao, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT đã làm hết sức mình. Chúng tôi đã, đang điều phối các ngành hàng nông nghiệp ở vùng ĐBSCL và sắp tới sẽ triển khai ở Tây nguyên để làm sao chúng ta minh bạch được, chúng ta nắm rõ được thông tin, không mù mờ về thông tin đầu cung”, Bộ trưởng chia sẻ và thẳng thắn thừa nhận với Quốc hội rằng, ngay cả bây giờ Bộ NN-PTNT “vẫn chưa nắm đầy đủ được thông tin”. Do đó, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, Bộ NN-PTNT đã và đang tích hợp vấn đề.
Ông cũng cho rằng, không còn cách nào khác là chúng ta phải phát triển kinh tế tập thể để gom các đầu mối lại, không phải là 10 triệu hộ sản xuất nữa mà các đầu mối đó thông qua các hợp tác xã sẽ tinh gọn hơn. Mọi thông tin, mọi định hướng, mọi chương trình phổ biến chính sách sẽ được triển khai một cách trực tiếp hơn. Đó là trách nhiệm của Bộ NN-PTNT đồng thời cũng là trách nhiệm của các địa phương.
Nông dân, doanh nghiệp thoát khỏi tư duy mùa vụ, thương vụ
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, chúng ta cũng cần tổ chức lại chuỗi giá trị các ngành hàng, bởi vì cây xoài được trồng ở Sơn La, Tây Nguyên và nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước chứ không giới hạn ở địa giới hành chính một tỉnh. Chúng ta phải tổ chức lại các ngành hàng để đưa nó vào một quỹ đạo thống nhất thông qua các hiệp hội ngành hàng và hiệp hội doanh nghiệp, cùng định hướng ra một chiến lược chứ không phải chúng ta tư duy mùa vụ nữa.
“Nông dân của chúng ta sản xuất theo tư duy mùa vụ. Doanh nghiệp thì kinh doanh theo tư duy thương vụ. Chúng ta nghĩ ngắn, bây giờ chúng ta phải nghĩ dài. Chúng ta phải chấp nhận ngồi lại, làm lại để có một hệ thống minh bạch hơn, đầy đủ hơn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp chia sẻ thêm, Thủ tướng Chính phủ hay nói rằng “Bộ NN-PTNT làm sao phải xây dựng được thương hiệu cho nông sản”. Nhưng, chúng ta không thể nào xây dựng được thương hiệu nông sản khi mà tất cả không vào cuộc từ hiệp hội ngành hàng đến người nông dân để quyết tâm đưa hình ảnh đẹp về nông sản của chúng ta đến thị trường thế giới.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng “chúng ta phải có đi rồi mới có đến, chuyển từ tư duy xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch là cả một hành trình thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy”. Bộ NN-PTNT chỉ là người cung cấp những chiến lược chung, những quy hoạch, định hướng và tuyên truyền những chuẩn mực của thị trường. Còn để thực hiện được hay không là sự sát sao của địa phương.
Nhìn ở góc độ tươi sáng hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ, gần đây có rất nhiều nông dân ở Gia Lai, Tây Nguyên, ĐBSCL hay Vĩnh Phúc… đã chuyển sang sử dụng phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học thay vì sử dụng phân bón nhập khẩu. Tôi nghĩ rằng đó vừa là giải pháp trước mắt và cũng là định hướng lâu dài để chúng ta bớt lệ thuộc vào thị trường nước ngoài, chuyển từ một nền nông nghiệp thâm dụng phân, thuốc hoá học sang nền nông nghiệp hữu cơ hoá và nền nông nghiệp sinh thái.
Có một bài báo tôi nhớ mãi là “Bệnh mau quên”. Sau khi tình trạng ùn ứ nông sản ở các cửa khẩu xảy ra, rất nhiều vấn đề được đặt ra là tại sao chúng ta lại lệ thuộc vào một thị trường, tại sao chúng ta không chế biến, tại sao chúng ta không phát triển thị trường nội địa… Nhưng khi cửa khẩu mở ra được rồi thì ai về nhà nấy, vẫn tiếp tục làm việc. Người nông dân vẫn sản xuất theo suy nghĩ tự phát, doanh nghiệp thì vẫn tư duy thương vụ, và chúng ta loay hoay, vài năm nữa chúng ta lại quay trở lại câu chuyện ùn ứ.
Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định: “Lần này Bộ NN-PTNT cùng với Bộ Công thương sẽ không quên, sẽ có phương pháp đồng bộ, và phân định trách nhiệm rõ ràng để giải quyết vấn đề này”.